Phát biểu ngày 17/6, tại hội thảo hợp tác giữa Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) về đẩy mạnh sản xuất dược phẩm tại Việt Nam, Thứ trưởng cũng nhận định sau hơn hai thập kỷ nỗ lực đổi mới, ngành công nghiệp dược Việt Nam đang ngày càng phát triển và hiện đã đáp ứng được gần 50% nhu cầu thuốc trong nước. Năm 2010 thu gần 1 tỷ USD
Theo tiến sỹ Cao Minh Quang, ngành công nghiệp bào chế thuốc của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong các năm, đặc biệt giá trị thuốc sản xuất trong nước năm 2010 đạt khoảng 919 triệu USD, tăng 10% so với năm 2009.
Việt Nam đã sản xuất được hầu hết hoạt chất trong danh mục thiết yếu, đáp đứng được nhu cầu về thuốc phòng và chữa bệnh cho y tế. Trong giai đoạn 2001-2010, công nghiệp bào chế thuốc trong nước đã liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, đảm bảo khoảng 50% lượng thuốc tiêu thụ.
Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại thuốc chuyên khoa, đặc trị với các dạng bào chế hiện đại hư thuốc tim mạch, tiểu đường, huyết áp, thần kinh, nội tiết… Đặc biệt, các nhà sản xuất vắcxin trong nước cũng đã sản xuất được tất cả các loại vắcxin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tuy nhiên, một số nhóm thuốc doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể sản xuất như nhóm thuốc gây mê, nhóm thuốc giải độc đặc hiệu, nhóm thuốc chống ung thư, thuốc chống Parkinson, chế phẩm máu…
Mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, tình trạng sức khỏe cũng được quan tâm nhiều hơn. Vì vậy nhu cầu sử dụng thuốc để chăm sóc sức khỏe cũng tăng lên. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dược Việt Nam.
Thách thức lớn là giá thuốc cao
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, ngành công nghiệp dược Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều hạn chế và bất cập.
Ông Patrick J.Gilabert, đại diện của UNIDO nhận định nhu cầu sử dụng thuốc tại Việt Nam đang gia tăng nhanh trong những năm qua. Tuy nhiên, lĩnh vực này hiện phải đối mặt với ba thách thức lớn là thuốc đắt, mức độ dự trữ thấp, một phần lớn thuốc thành phẩm và nguyên liệu phải nhập khẩu.
Hằng năm, việc sản xuất thuốc và sử dụng trong y học cổ truyền cần tới khoảng 500 loại dược liệu. Tuy nhiên, do nguồn dược liệu trong nước chưa ổn định, hầu hết các vùng dược liệu đều manh mún và không có tiềm năng nên có thời điểm tỷ lệ nhập khẩu dược liệu chiếm đến 85-90%.
Thứ trưởng Quang cũng đưa ra một số hạn chế nữa mà công nghiệp dược Việt Nam cần khắc phục như việc đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp vẫn còn trùng lắp rất lớn về cơ cấu sản phẩm, các cơ sở chủ yếu sản xuất các loại thuốc có dạng bào chế thông thường, chưa chú ý đầu tư sản xuất các loại thuốc có dạng bào chế đặc biệt, công nghệ cao.
Theo đánh giá của WHO, công nghiệp dược Việt Nam đang ở mức phát triển. Việt Nam đã có công nghiệp dược nội địa, nhưng đa số phải nhập khẩu nguyên vật liệu, do đó nhìn nhận một cách khách quan có thể nói rằng công nghiệp dược Việt Nam vẫn ở mức phát triển trung bình-thấp.
Hội thảo “Hợp tác giữa Bộ Y tế, WHO và UNIDO về đẩy mạnh sản xuất dược phẩm tại Việt Nam” là cơ hội để các chuyên gia trong ngành dược trao đổi, thảo luận các yếu tố thuận lợi và bất lợi cho ngành công nghiệp dược Việt Nam.
Thông qua đó, các chuyên gia sẽ chia sẻ kinh nghiệm của các nước đang phát triển trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp dược, các kiến nghị đối với Việt Nam để có chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược bền vững.
Sưu tầm
0 comments:
Post a Comment